Trang chủTự hào Học viện CSNDTruyền thống Anh hùng

35 năm khóa D2 - Học viện Cảnh sát nhân dân: Ghi đậm những dấu son
Trung tướng Phạm Quý Ngọ ghi lưu niệm vào sổ vàng truyền thống

Ngày ấy ở Suối Hai, trường Đại học Cảnh sát nhân dân chỉ có 43 giảng viên với 5 khoa và 3 đơn vị trực thuộc. Giảng viên cả trường chưa có ai có trình độ tiến sỹ, giáo trình học tập còn rất thiếu, ký túc xá và giảng đường chủ yếu là nhà ngói, nhà lợp mái tôn cấp 4… Đất nước mới thống nhất còn bao khó khăn, thiếu thốn. Nhưng bằng nhiệt tình của các thầy cô giáo và sự say mê học tập của học viên, các mẻ thép đã dần dần được tôi luyện.

 

Đi thăm cơ sở vật chất của Học viện CSND


Những năm tháng học tập, ôn luyện vất vả; những đêm hành quân dã ngoại; những chuyến thực tập đầy lý thú; những hoạt động văn hóa, thể thao..., tất cả đã trở thành những kỷ niệm thân thương, những ký ức không phai mờ trong cuộc đời của mỗi học viên. Sau 5 năm học tập, theo sự phân công của tổ chức, các học viên khóa D2 nhận nhiệm vụ ở hầu khắp các đơn vị ở Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước, trở thành những hạt nhân đầu tiên, là nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Với nền tảng kiến thức được trang bị từ nhà trường, cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, dù trong bất kỳ lĩnh vực công tác nào, các học viên khóa D2 cũng thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Như thép đã được tôi luyện qua gian nan; thử thách, những kết quả học tập, phấn đấu, rèn luyện của học viên khóa D2, Đại học Cảnh sát nhân dân thật đáng tự hào. Trong số hơn 300 học viên ngày ấy có nhiều đồng chí đã trưởng thành vượt bậc, trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, của các đơn vị, địa phương và các ngành, các cấp như Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Thiếu tướng Đỗ Đức Kính, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, Đại tá Phạm Đức Hòa, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, Đại tá Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn, Tổng biên tập Tạp chí Cảnh sát phòng chống tội phạm và hàng chục đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo cấp cục, Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố. Nhiều cựu học viên ra trường đã được nhà trường giữ lại làm giảng viên và nay đã trở thành những giảng viên nòng cốt của Học viện Cảnh sát nhân dân như Đại tá TS Phạm Trung Hòa, Trưởng khoa Cảnh sát giao thông, Thượng tá TS Cao Bá Quảng, Phó Chủ nhiệm Bộ môn nghiệp vụ cơ sở, Thượng tá Thạc sỹ Đặng Đức Nghĩa, Phó trưởng Bộ môn Mác - Lênin và Khoa học xã hội nhân văn v.v... Nhiều đồng chí chuyển ngành đã trở thành lãnh đạo chủ chốt các ngành, của địa phương, là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn.
 


Nhớ lại, những ngày đầu tiên đến trường, Đại tá Hồ Sỹ Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Anh tâm sự: “Chính những năm tháng học tập dưới mái trường Đại học Cảnh sát nhân dân, chúng tôi đã được trang bị những tri thức, kiến thức nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội... Đó là những hành trang để chúng tôi vững bước trên các lĩnh vực công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

30 năm ra trường, các cựu học viên khóa D2 từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về thăm Đất Tổ, thắp hương vua Hùng, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô và gặp mặt tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Trong không khí đầm ấm tại hội trường lớn 500 của Học viện, các cựu học viên đã có buổi giao lưu truyền thống với các thế hệ thầy cô giáo cũ và các thầy cô giáo hôm nay, với các em sinh viên thế hệ 8X, 9X, các em học viên quốc tế. So với năm 1976, ngày nay Học viện Cảnh sát nhân dân đã trưởng thành vượt bậc. Trường đã có gần 900 cán bộ, giảng viên với 33 đơn vị và 11 chuyên ngành đào tạo, trong đó có những chuyên ngành rất mới như Cảnh sát vũ trang, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Tiếng Anh cảnh sát. Năm 1992, trường Đại học Cảnh sát nhân dân là nhà trường đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân được phép đào tạo Thạc sỹ và năm 2010 cũng là nhà trường đầu tiên của Bộ Công an tổ chức liên kết đào tạo Thạc sỹ bằng tiếng Anh với một trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ. Với 11 Giáo sư, 24 Phó giáo sư, 52 Tiến sỹ, hơn 200 Thạc sỹ, gần 200 giảng viên chính, Học viện Cảnh sát nhân dân đã trở thành nhà trường có đội ngũ giảng viên có trình độ cao đứng đầu trong các trường Công an nhân dân.

Tham quan các giảng đường học hiện đại, tổ hợp nhà thi đấu đa năng, ký túc xá sinh viên hiện đại 12 tầng khang trang, có cầu hang máy, vệ sinh khép kín và kết nối Internet, cáp truyền hình đến từng phòng ở, từ Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đến các cựu học viên D2 đều vui mừng trước sự trưởng thành của ngôi trường và cảm động trước sự quan tâm của Nhà nước và của ngành với các thế hệ sinh viên Cảnh sát hôm nay nếu so với các giảng đường, ký túc xá nhà cấp 4 ở Suối Hai ngày nào.

Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, mỗi dịp tổ chức Hội khóa của các cựu sinh viên nhà trường là một dịp để nhà trường giáo dục truyền thống cho các thế hệ giảng viên, sinh viên nhà trường hôm nay.

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT