Học viện Cảnh sát nhân dân có những giáo viên đặc biệt. Đó là những người thầy không bụi phấn, cả đời gắn bó với nắng, bụi thao trường, làn da đen vì sương gió.
Họ đã và đang thầm lặng thực hiện nghĩa vụ, vất vả khổ luyện để cầm tay, hướng dẫn, truyền đạt sự tinh túy của quân sự, võ thuật, thể dục thể thao, giúp các học viên rèn luyện về trí - lực, sẵn sàng cho con đường đầy gian nan, thử thách phía trước.
Nghiêm khắc - kỷ luật
Tổ Quân sự Học viện Cảnh sát nhân dân hiện có 13 giáo viên. Người trẻ nhất sinh năm 1990; người thâm niên cao nhất đã 30 năm công tác trong lực lượng.
Học trò thường hay kể về những người thầy quân sự là những thầy giáo đầy nhiệt huyết, luôn tận tình chỉ bảo các học viên nhiệt tình nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Chỉ cần thiếu tập trung trong quá trình học tập, huấn luyện là bị áp “kỷ luật” ngay, mà mức “kỷ luật” được đảm bảo là sẽ giúp học viên nhớ để không tái phạm như chống đẩy, chạy quanh thao trường...
Với mỗi thầy giáo giảng dạy bộ môn Quân sự võ thuật - Thể dục thể thao Học viện Cảnh sát nhân dân, công việc hàng ngày gắn với thao trường, bãi tập là trách nhiệm cao quý, là niềm vui, sự tự hào đáng trân trọng.
Có thể nói, trong thực tiễn chiến đấu, lực lượng Công an nhân dân luôn phải đối diện các đối tượng côn đồ hung hãn sử dụng vũ khí “nóng”, hoạt động theo kiểu băng ổ nhóm tội phạm nhằm bao vây, khống chế và gây khó khăn cho người chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, thậm chí tước đi mạng sống của họ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc học tập, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, mỗi học viên phải thường xuyên rèn luyện, trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức võ thuật Công an nhân dân, biết cách sử dụng, vận dụng linh hoạt sáng tạo trong từng hoàn cảnh, đối tượng nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, họ bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân và đồng đội. Những đòi hỏi trên được đặt lên vai chính những người thầy của bộ môn Quân sự võ thuật - Thể dục thể thao.
Những người thầy không chỉ đơn thuần giảng dạy cho học viên về những động tác chiến đấu, đòn đánh mà còn giúp học viên trang bị toàn diện về kiến thức cũng như kỹ năng chiến đấu nhuần nhuyễn, hiệu quả.
Bất cứ một động tác nào cũng cần sự nhịp nhàng, chính xác đến từng chi tiết. Mỗi lời chỉ dẫn, mỗi lần thị phạm, thầy luôn cân nhắc kỹ lưỡng, dặn dò học viên những trường hợp có thể dễ dàng gây ra chấn thương, để các học viên lưu ý phòng tránh trong khi thực hành.
Mỗi người thầy chọn cho mình một phương pháp giảng dạy riêng, phù hợp với tố chất, tính cách của từng học viên nhưng trên tất cả đều mong muốn học viên của mình phát huy tối đa năng lực của bản thân, phát triển về tư duy, thể lực cũng như kỹ thuật, chiến thuật, hạn chế mức thấp nhất những chấn thương không cần thiết, sẵn sàng phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sau này.
Thời gian luyện tập trên thao trường, nhà tập luôn là quãng thời gian đáng nhớ nhất đối với mỗi sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân. Nhiều cựu học viên chia sẻ, thời gian sinh viên được sống trong môi trường kỷ luật thép, cường độ huấn luyện cao nhưng cũng ý nghĩa vô cùng.
Nơi mà tình đoàn kết, tình đồng chí đồng đội được phát huy cao độ qua những bài tập chung hay những trò chơi vận động trong giờ giải lao. Đó còn là những câu chuyện, những bài học về sự sẵn sàng hy sinh trong chiến đấu, vì nhân dân phục vụ.
Một trong những môn học quan trọng và đòi hỏi nhiều tố chất, kỹ năng mà mỗi học viên phải chú trọng chính là bắn súng.
Chương trình đào tạo của Học viện Cảnh sát nhân dân với bộ môn Giáo dục quốc phòng bao gồm 170 tiết, trong đó 30 tiết bắn súng ngắn nhanh, 30 tiết bắn súng AK và 70 tiết vận động chiến thuật chiến đấu cá nhân…
Đây là bộ môn quan trọng trong các môn học cơ bản, nhằm rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, kỹ năng cầm súng thành thạo khi tập luyện và bắn đạn thật, bắn ứng dụng chiến đấu đạt hiệu quả cao.
Khó khăn nhất khi học nội dung này là kỹ thuật bóp cò và tư thế đứng. Nếu học viên không đứng vững sẽ làm mất đường ngắm cơ bản. Kỹ thuật bóp cò còn quan trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của mỗi lần bắn.
Đường cò phải đều, đồng nhất để tránh bị giật, làm mất đường ngắm; thời gian bóp cò không quá ngắn (chưa duy trì được đường ngắm chính xác), cũng không quá lâu (tay cầm súng bị run)...
Từng vấn đề sẽ được các thầy chỉ bảo chi tiết. Chính sự tận tâm, tận tình của các giảng viên đã giúp học viên hoàn chỉnh các kỹ năng qua từng tiết học và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Những kỷ niệm đặc biệt
Trong cuộc đời gắn bó với nắng gió thao trường của mình, thiếu tá Nguyễn Bạch Thực, huấn luyện viên quân sự, Học viện Cảnh sát nhân dân nhớ mãi một kỷ niệm đặc biệt: “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm về cô học trò Hàng Y Mái, học lớp B1D40. Em là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình - nơi được coi là thủ phủ của cây thuốc phiện với nhiều vụ án nổi tiếng về ma túy".
Hàng Y Mái cho biết ngay từ nhỏ đã ước mơ trở thành chiến sĩ Công an nhân dân để tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Cô học trò người Mông có ánh mắt sáng với tính cách cương nghị luôn cố gắng nắm chắc những kiến thức quân sự, bắn súng khi được các thầy truyền dạy.
Trong các buổi tập, em luôn tích cực, cẩn thận hỏi những chỗ chưa nắm chắc. Kết quả thi kết thúc môn thật bất ngờ khi Hàng Y Mái bắn 10 viên đạn được 89 điểm, đạt luôn chuẩn đầu ra môn bắn súng ngắn. Đây là kết quả tuyệt vời đối với một học sinh người dân tộc Mông vào học năm đầu tiên của Học viện Cảnh sát nhân dân.
Một kỷ niệm khác được thiếu tá Nguyễn Bạch Thực kể lại với chúng tôi bằng giọng nói hết đỗi tự hào và đáng nhớ trong quá trình giảng dạy. Đó là vào tháng 3/2016, Đoàn học viên Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan sang tham quan và học tập tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Khi tham quan và giao lưu với cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân, ở nội dung bắn súng ngắn, đoàn bạn đề nghị được bắn giao lưu với cán bộ giáo viên.
Sau khi bắn giao lưu, bạn rất khâm phục kỹ thuật bắn súng của cán bộ giáo viên học viên Học viện Cảnh sát nhân dân. Thầy giáo, Trưởng đoàn học viên Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã đề nghị giáo viên Học viện Cảnh sát nhân dân dạy thêm kỹ thuật bắn súng cho các bạn…
Không chỉ giúp các học viên hoàn thiện các kỹ năng để áp dụng vào thực tế chiến đấu, những người thầy của Bộ môn Quân sự võ thuật - Thể dục thể thao Học viện Cảnh sát nhân dân còn chắp cánh cho nhiều tài năng vươn xa, mang lại niềm tự hào cho đất nước.
Từ sự tận tình của các người thầy đặc biệt, những tài năng của Học viện Cảnh sát nhân dân như học viên Trịnh Đình Nam (D22S), Huỳnh Văn Đẳng (D22S)… đã đạt được những thành tích cao như huy chương vàng giải Võ thuật ứng dụng Công an nhân dân năm 2016.
Đây cũng là tiền đề để các học viên này tiếp tục được triệu tập vào đội tuyển võ thuật phức hợp Bộ Công an tham dự thi đấu Giải vô địch võ thuật phức hợp quốc tế năm 2016 tại Liên bang Nga...
Ở Học viện Cảnh sát nhân dân, mỗi ngày, những tiếng còi, tiếng hô vẫn vang lên đều tăm tắp trên thao trường. Với những người thầy, đó là tấm lòng yêu thương, niềm mong mỏi đối với tất cả học viên đang học tập, rèn luyện dưới mái trường giàu truyền thống này. Mối khăng khít ấy không chỉ giữa thầy và trò mà còn là niềm tin và trách nhiệm của những người chiến sỹ Công an nhân dân với nhau.
Mỗi người, dù ở cương vị nào cũng đang ngày đêm cống hiến cho nhân dân, đất nước. Ở đây, mồ hôi, tâm sức luôn đẫm áo thầy mặc như những đóng góp bền bỉ, thầm lặng mãi không dừng lại...
Nguyễn Bạch Thực
Nguồn: Báo An ninh thủ đô