Thiếu tướng Nguyễn Trung Thành được Bộ Công an phân công về công tác tại Học viện vào tháng 6/2005, đúng vào lúc mà Học viện đang gặp phải nhiều khó khăn. Với cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng phụ trách công tác đào tạo, xây dựng lực lượng của ngành Công an nên Thầy càng hiểu rõ bối cảnh của Học viện để đi đến những quyết định quan trọng tìm ra khâu đột phá trên cơ sở truyền thống và đổi mới nhằm củng cố, xây dựng và phát triển Học viện.
Kinh nghiệm là vậy, chức vụ là vậy, nhưng mỗi quyết định của Thầy đều thể hiện rõ ràng quan điểm “Tập trung, dân chủ”. Vận dụng nguyên lý giáo dục, quan điểm công tác cán bộ của Đảng với phương châm “ổn định để phát triển”, Thầy đặt vấn đề, bàn với tập thể Đảng ủy - Ban Giám đốc bắt đầu bằng việc phát huy vai trò của từng cán bộ, đảng viên, từng cấp ủy Đảng để kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cốt cán, đội ngũ giáo viên đầu đàn coi đây là nòng cốt trên tất cả các lĩnh vực công tác của Học viện tạo bầu không khí dân chủ tin tưởng khơi dậy ý thức trách nhiệm, khả năng của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên từng đơn vị công tác, thậm chí ngay cả đối với các đồng chí về hưu, câu lạc bộ hưu của Học viện cũng được coi như một bộ phận của đơn vị cùng chung tay góp sức xây dựng Học viện. Chính vì vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, bộ mặt của Học viện đã có nhiều thay đổi đáng kể, đội ngũ cán bộ lãnh đạo được củng cố trong đó có nhiều đồng chí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, các nhà khoa học. Đi đôi với việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, cốt cán ở các cấp Thầy đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường củng cố cơ sở vật chất, cải tạo môi trường làm việc, học tập, củng cố nơi ăn, nơi ở cho cán bộ, học viên đáp ứng nhu cầu tốt nhất có thể phục vụ cho công tác dạy tốt, học tốt.
Vấn đề làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là nỗi trăn trở thường trực ở vị Tướng phụ trách công tác giáo dục - đào tạo của ngành Công an, nay lại thêm trọng trách đứng đầu một cơ sở đào tạo có quy mô lớn nhất của lực lượng Công an nhân dân, sau nhiều trăn trở Thầy cho mở hội nghị “Diên Hồng” của Học viện mời các nhà giáo, nhà khoa học, các cán bộ quản lý trong và ngoài Học viện bàn cải tiến nội dung phương pháp giáo dục đào tạo gắn chặt giữa lý luận, thực tiễn và tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả phong trào “Hai không” của Bộ Giáo dục - Đào tạo; nhiều phong trào học tập, các câu lạc bộ chuyên môn được mở tạo nhiều cơ hội cho thầy trò gắn kết cùng nhau, quá trình học tập của học viên được gắn chặt với thực tiễn hơn thông qua việc kết nghĩa của Học viện với các đơn vị nghiệp vụ của Công an các đơn vị, địa phương, các đơn vị thuộc Bộ Công an. Đặc biệt Học viện là nhà trường đầu tiên của Bộ Công an tổ chức cho học viên năm thứ nhất thực hành chính trị - xã hội tại các địa phương để dân gần Công an hơn và học viên Công an thực hiện ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân từ đó góp phần tuyên truyền giáo dục chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước làm cho dân tin yêu Công an hơn. Chính từ kinh nghiệm đó mà Bộ Công an đã quyết định đưa chương trình thực hành chính trị xã hội đối với tất cả các nhà trường trong lực lượng Công an nhân dân.
Vốn xuất thân là một “nhà tổ chức” nhưng Thiếu tướng Nguyễn Trung Thành lại tỏ ra dày dặn kinh nghiệm như một nhà “quy hoạch kiến trúc”. Chính Thầy đã khởi xướng nhiều công trình trong đó có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, tổ chức các sự kiện của Bộ Công an và Học viện CSND. Chuyện kể về quá trình xây dựng tượng đài Bác Hồ tại Học viện thì nhiều nhưng xin kể một mẩu chuyện nhỏ để thấy được tầm nhìn của Thầy Giám đốc Học viện lúc bấy giờ. Chuyện là vào ngày 15/5/2008, Học viện kỷ niệm 40 năm thành lập nhưng chưa có một công trình nào đặt dấu ấn cho 40 năm xây dựng và trưởng thành, Thầy Thành bàn với tập thể Đảng ủy - Ban giám đốc về ý tưởng xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay khi ý tưởng được đưa ra đã nhận được sự đồng tình của cán bộ, chiến sỹ trong toàn Học viện, nhưng băn khoăn lớn nhất là nguồn kinh phí xây dựng tượng đài trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, của Học viện. Trước những băn khoăn ấy Thầy bảo “Các ông đừng lo, nghĩ tới việc xây dựng tượng đài Bác Hồ mà không quán triệt tư tưởng của Bác”, Bác đã từng dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cái quan trọng hàng đầu là sự đồng tâm, nhất trí, mà việc này thì cả chục ngàn cán bộ chiến sỹ trong Học viện đều đồng lòng, nhất trí thì còn việc gì mà ngần ngại nữa. Khi đã khơi dậy được sự đồng thuận của mọi người, lại được cấp trên đồng ý cho phép, Thầy liền tập hợp các “Quân binh chủng”, phân công mỗi người một việc từ sáng tác mẫu tượng, thành lập hội đồng thẩm định, liên hệ các đơn vị thi công…Và cứ như vậy ai vào việc ấy, cả Học viện như một cỗ máy khổng lồ vừa dạy học vừa xây dựng tượng đài Bác và các công trình cho kịp lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập. Thế là mọi việc đều diễn ra theo đúng kịch bản của nhà “Đạo diễn” Nguyễn Trung Thành; hôm nay và mai sau, các thế hệ cán bộ, học viên của Học viện luôn được gần Bác để được tiếp thêm sức mạnh, thực hiện tốt nhất sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân.
Năm tháng rồi sẽ qua đi nhưng những cống hiến của các thế hệ thầy trò Học viện vẫn mãi được ghi vào những trang truyền thống hào hùng của Học viện trong đó phải kể đến những đóng góp to lớn của các Thầy trên cương vị cao nhất của Học viện, Thầy Nguyễn Trung Thành - Vị tướng của lòng dân.
Đại tá, ThS. Vũ Duy Kỳ
Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Học viện CSND
|