Trước yêu cầu tăng cường đào tạo phát triển lực lượng CSND, tháng 10 năm 1962, Trường Công an Trung ương thành lập Khoa Cảnh sát nhân dân (gọi tắt là Khoa nghiệp vụ II) có nhiệm vụ đào tạo Hạ sỹ quan và bồi dưỡng, bổ túc sỹ quan Cảnh sát nhân dân.
Cuối năm 1962, sau khi được đào tạo tại Liên xô, thầy Trần Đức Trường được Bộ điều động về nhận công tác tại Khoa Cảnh sát nhân dân thuộc trường Công an Trung ương. Đây là một công việc hoàn toàn mới mẻ đối với một cán bộ trinh sát, song với tinh thần nhiệt huyết gắn bó với nghề dạy học, trồng người từ một giáo viên thầy sớm được cử làm Trưởng khoa. Thời gian này, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc, yêu cầu giữ gìn AN, TT đặt ra rất cấp bách, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Khoa Cảnh sát nhân dân đã tiến hành đào tạo các lớp Cảnh sát khu vực, Quản giáo, bồi dưỡng sỹ quan và Cảnh sát Lào; đồng thời tiến hành xây dựng chương trình đào tạo Cảnh sát 3 cấp: trung cấp, sơ cấp, bồi dưỡng ngắn hạn và đã được triển khai thực hiện đối với các lớp Cảnh sát, trinh sát bảo vệ chính trị, đặt cơ sở cho việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu học tập cho các lớp học sau này.
Năm 1965, Phân hiệu CSND được thành lập, dưới sự chỉ đạo của thầy Lê Quân Phân hiệu trưởng, thầy Trần Đức Trường đã cùng tập thể lãnh đạo nhà trường, các khoa tham gia xây dựng chương trình đào tạo: Cảnh sát khu vực, Bồi dưỡng Công an huyện, Trinh sát hình sự, Cảnh sát giao thông. Năm 1966 đã mở lớp đào tạo chuyên ngành Cảnh sát giao thông đầu tiên của ngành cung cấp cán bộ phục vụ kịp thời nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường vận tải của khu IV và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở Miền Bắc.
Trước yều cầu của tình hình cách mạng, năm 1968, Trường CSND được thành lập, thầy Trần Đức Trường được Bộ chỉ định tham gia lãnh đạo cùng với Ban Giám hiệu nhà trường, rồi được Bộ bổ nhiệm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng. Thầy đã cùng tập thể lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng hoàn thiện mục tiêu, chương trình đào tạo Hạ sỹ quan CSND ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp với 3 nội dung chính: Phần lý luận chính trị gồm các môn: Triết học, kinh tế chính trị Mác Lê nin, lịch sử Đảng, đường lối chính sách, tu dưỡng đạo đức. Phần lý luận nghiệp vụ gồm các môn: nghiệp vụ chung, pháp luật, nghiệp vụ trinh sát, chấp pháp, cảnh sát trại giam, cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực, kỹ thuật hình sự, cảnh sát PCCC...Phần rèn luyện thể chất có các môn: quân sự, võ thuật, TDTT. Từ năm 1968 đến 1974, nhà trường đã chiêu sinh đào tạo gần 40 lớp Hạ sỹ quan, bổ túc sỹ quan với trên 3000 học viên, nhiều lớp ra trường đã được chi viện cho chiến trường Miền Nam và tăng cường cho các địa bàn trọng điểm ở Miền Bắc bị đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại. Ngoài ra nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế mở các lớp đào tạo cán bộ cho Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào và Cămpuchia.
Năm 1974, khi đồng chí Lê Quân Hiệu trưởng được Bộ điều động nhận công tác khác, một vinh dự đến với thầy Trần Đức Trường, thầy được Bộ tin tưởng giao phụ trách chung, rồi giữ chức vụ Hiệu trưởng. Lúc này nhà trường đang chuẩn bị điều kiện nhận nhiệm vụ đào tạo sỹ quan CSND bậc đại học, điều kiện cơ sở vật chất đang gặp rất nhiều khó, do từ nơi sơ tán tập trung về ở Suối Hai, hội trường, nhà ở và làm việc còn thiếu, chủ yếu là nhà lá đơn sơ, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, học viên còn nhiều thiếu thốn...Song dưới sự chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng Trần Đức Trường và tập thể Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Công an, cộng với sự khắc phục khó khăn, phấn đấu nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, chỉ trong một thời gian ngắn nhà trường đã tập trung nghiên cứu hoàn thành xây dựng chương trình đào tạo sỹ quan CSND bậc đại học thời gian 5 năm và hệ bổ túc sỹ quan CSND (tương đương bậc đại học) thời gian 2 năm; Từng bước xây dựng hoàn thiện chương trình đào tạo chuyên ngành Cảnh sát khu vực, Trinh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát PCCC; Biên soạn 12 giáo trình đào tạo sỹ quan; chỉnh lý 30 giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập; Xây dựng ban hành Quy chế giảng dạy, Quy chế học tập và Quy chế quản lý học viên làm cơ sở cho việc thực hiện công tác quản lý giáo dục theo đúng quy định của nhà nước và của Bộ Công an, đồng thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, học viên. Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng, nhà trường đã sớm kiện toàn bộ máy, tổ chức của trường có 11 khoa, 8 phòng với 576 cán bộ, trong đó có 110 giáo viên; nhiều cán bộ, giáo viên đã được chọn cử đi nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng ở các trường đại học trong nước và nước ngoài, sau này nhiều đồng chí trở thành cán bộ chủ chốt của Học viện như Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Duy Hùng nguyên Giám đốc Học viện CSND, Đại tá PGS.TS Nguyễn Quốc Nhật nguyên Phó Giám đốc Học viện CSND, Đại tá TS Đặng Văn Huệ nguyên Phân hiệu trưởng phân hiệu Học viện CSND, Đại tá Phan Hồng Tam nguyên Phó Hiệu trưởng trường đại học CSND, Đại tá PGS.TS Nguyễn Thiện Phú Phó Giám đốc Học viện CSND, Đại tá PGS.TS Ngô Sỹ Hiền Trưởng bộ môn Pháp luật...Để nhằm đảm bảo điều kiện làm việc, học tập, ăn ở cho cán bộ, học viên, dưới sự chỉ đạo của thầy và tập thể lãnh đạo nhà trường đã động viên cán bộ, học viên khắc phục khó khăn, tham gia lao động sản xuất, đóng gạch ngói, chăn nuôi bò, lợn, đào ao nuôi cá, trồng sắn, rau xanh...từng bước xây dựng các hội trường, nhà làm việc, nhà ở, nhà ăn và cải thiện đời sống cho cán bộ, học viên; bước đầu đảm bảo cho gần 4000 cán bộ, học viên ăn ở, công tác và học tập. Nhà trường còn chủ động hợp tác với Bộ Nội vụ các nước Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc...giúp đỡ trong việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất và trang bị các phương tiện, đồ dùng dạy học. Một vinh dự to lớn đến với cán bộ, học viên ngày 02-4-1976 trường Sỹ quan CSND chính thức được thành lập, và cũng trong năm này Hội đồng Chính phủ quyết định công nhận trường thuộc hệ đại học. Đây là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của nhà trường, mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp đào tạo cán bộ có trình độ đại học cho lực lượng CAND, tạo tiền đề cho nhà trường phát triển đi lên sau này; thành tích này có công lao đóng góp quan trọng của thầy Hiệu trưởng Trần Đức Trường.
Năm 1975 nhà trường chính thức chiêu sinh hệ đào tạo sỹ quan CSND bậc đại học đầu tiên (khóa D1) có 296 học viên, rồi tiếp nhận đào tạo các khóa D2, D3, D4...Với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì mục tiêu đào tạo”, thầy đã cùng tập thể lãnh đạo nhà trường nhiều đêm trăn trở, nghiên cứu, tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, đào tạo giáo viên...dưới sự chỉ đạo của thầy, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” được đẩy mạnh, công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng, nhiều hội nghị, hội thảo, sơ tổng kết về công tác giảng dạy, học tập, NCKH, quản lý học viên...được tổ chức, đặc biệt nhà trường đã tổ chức nghiên cứu chùm đề tài về 6 điều Bác Hồ dạy CAND...Từ năm 1975 đến năm 1984, khi thầy Trần Đức Trường làm Hiệu trưởng, trường Sỹ quan CSND đã tiến hành đào tạo được 10 khóa đại học (từ D1 đến D10) với 3.759 học viên, trong đó có hơn 2000 học viên tốt nghiệp ra trường (từ D1 đến D5) được phân công về các đơn vị, địa phương trong cả nước, đến nay có nhiều đồng chí trưởng thành, giữ các cương vị chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương như đồng chí Mai Thế Dương UVTW Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (cựu học viên khóa D1); đồng chí Nguyễn Văn Thành UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Thành phố Hải Phòng (cựu học viên khóa D1); đồng chí Trung tướng Phạm Quý Ngọ UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an (cựu học viên khóa D2); đồng chí Nguyễn Văn Thông UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hưng yên (cựu học viên khóa D3); Trung tướng Cao Ngọc Oánh Tổng cục trưởng TC8 Bộ Công an (cựu học viên khóa D1); Trung tướng Triệu Văn Đạt Phó tổng cục trưởng TC6 Bộ Công an (cựu học viên khóa D3, nguyên giáo viên Khoa CSHS), Thiếu tướng Anh hùng LLVT Đỗ Kim Tuyến Phó Tổng cục trưởng TC6 Bộ Công an (cựu học viên khóa D1); Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Huy Thuật Phó giám đốc Học viện CSND (cựu học viên khóa D1); Thiếu tướng Hứa Kiến Thiết Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang và Thiếu tướng Nguyễn Văn Khuông Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam (cựu học viên khóa D4)...
Năm 1984 thầy Trần Đức Trường về nghỉ hưu, về sống trong một căn nhà nhỏ ở một ngõ hẻm trên đường La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội. Trở về với đời thường, với bữa cơm đạm bạc, song thầy vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển đi lên của Học viện Cảnh sát nhân dân.
Nhớ những ngày tháng công tác, học tập ở Suối Hai, Cẩm Lĩnh, Ba vì, Hà Nội, dưới mái trường Sỹ quan CSND, chúng tôi không thể quên hình ảnh thầy Trần Đức Trường, người thầy Hiệu trưởng luôn quan tâm, gần gũi với cán bộ, học viên; sống khiêm nhường, giản dị, tận tụy gắn bó với công việc, là tấm gương cho chúng tôi học tập, noi theo.
Trong những ngày này, cán bộ, học viên Học viện CSND đang phấn đấu thi đua lập thành tích chào mừng ngày nhà trường đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thầy Trần Đức Trường đã đi xa, song chúng tôi những thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên luôn nhớ mãi người thầy đáng kính, thầy Hiệu trưởng Trần Đức Trường luôn gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp đào tạo cán bộ cho lực lượng Cảnh sát nhân dân.