Trang chủTự hào Học viện CSNDTruyền thống Anh hùng

Người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cảnh sát nhân dân
Thượng tá Lê Quân - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường CSND (từ 1968 - 1974)

Thầy Lê Quân thuộc những thế hệ cán bộ Công an đã tham gia cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Năm 1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, anh thanh niên Lê Quân, quê tỉnh Sơn Tây đã được cử làm Bí thư huyện ủy ở tuổi 20. Cái duyên đã đưa người Bí thư huyện ủy trẻ đến với nghề Công an khi anh được Đảng cử sang công tác trong ngành Công an Hà Nội vào những ngày đầu cách mạng mới thành công.

Vừa tham gia chiến đấu, vừa học tập bạn bè, đồng nghiệp, với bầu nhiệt huyết cách mạng, người cán bộ Công an trẻ Lê Quân ngày một trưởng thành. Đến ngày giải phóng miền Bắc, hòa bình lập lại, anh thanh niên Công an năm nào đã nhanh chóng trưởng thành, trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo cấp Phòng trẻ tuổi nhất của lực lượng Công an Thủ Đô.

Thầy Lê Quân là một trong những cán bộ Công an thuộc lớp cán bộ Cảnh sát đầu tiên được Nhà nước và Bộ Công an phong hàm Cảnh sát nhân dân năm 1962 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày 20/07/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Thầy Lê Quân được vinh dự phong hàm Trung tá Cảnh sát nhân dân và được đánh giá là một trong những cán bộ sỹ quan Cảnh sát Việt Nam trẻ và triển vọng. Vào năm này cả nước chỉ có 2 cán bộ Công an, Cảnh sát được phong cấp hàm cao nhất là Thượng tá.

Sau khi tốt nghiệp khoá học nghiệp vụ tại Liên Xô về nước, thầy Lê Quân được Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương Trần Quốc Hoàn cử về công tác tại Trường Công an trung ương. Tháng 10 năm 1962 Trường Công an trung ương thành lập Khoa Cảnh sát nhân dân, gọi tắt là Khoa nghiệp vụ II. Trung tá Lê Quân được cử làm Trưởng khoa. Từ đây mở đầu cho sự nghiệp đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành cho lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trưởng khoa Lê Quân, Khoa Cảnh sát nhân dân bắt đầu đào tạo Hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân bậc sơ học và được gọi là hệ lớp K và bồi dưỡng, bổ túc sỹ quan Cảnh sát nhân dân, được gọi là hệ lớp T. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 17, Khóa Cảnh sát nhân dân của Trường Công an trung ương đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ Cảnh sát phục vụ công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự ở miền Bắc XHCN và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 2 năm 1963, thầy Lê Quân được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng Trường Công an trung ương, trực tiếp phụ trách Khoa Cảnh sát nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của thầy Lê Quân ngay trong năm 1963 Khoa Cảnh sát nhân dân của Trường Công an trung ương đã đào tạo được 135 học viên Cảnh sát khu vực, 63 học viên Phòng cháy chữa cháy, 76 học viên quản giáo và 52 học viên Lào. 40 học viên lớp bồi dưỡng sỹ quan Cảnh sát nhân dân T3 của thầy Lê Quân sau khi tốt nghiệp đã làm đơn tình nguyện vào chiến trường B chiến đấu. Đây cũng là lớp Cảnh sát nhân dân được đào tạo chính quy đầu tiên đi làm nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Trong thời gian này Thầy Lê Quân và Trường Công an trung ương đã thực hiện 3 chương trình đào tạo 3 cấp: trung học Cảnh sát, sơ học Cảnh sát và bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ Bộ Công an và Cách mạng Lào.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ Cảnh sát ngày càng cao của Ngành Công an, ngày 30 tháng 12 năm 1965 Bộ Công an đã ra Quyết định 154/CA-QĐ tách Khoa nghiệp vụ II thành lập Phân hiệu Cảnh sát nhân dân trực thuộc Trường Công an trung ương. Thầy Lê Quân, Phó Hiệu trưởng Trường Công an trung ương được cử giữ kiêm chức vụ Phân hiệu trưởng. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để thành lập Trường Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành Cảnh sát nhân dân bậc trung học và cũng là tiền đề thành lập các trường Cảnh sát chuyên ngành trong tương lai.

Tháng 2 năm 1966, Phân hiệu Cảnh sát nhân dân dưới sự lãnh đạo của Thầy Lê Quân đã được Bộ Công an chuyển lên địa điểm sơ tán ở Thanh Đa, Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ. Chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Thầy Lê Quân và Phân hiệu Cảnh sát nhân dân lại tiếp tục chuyển địa điểm sơ tán lên các xã Đường Lâm, Sơn Tây, thôn Chiểu Dương, xã Phú Cường, huyện Quảng Oai và xã Ba Trại, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Vừa đào tạo, vừa sẵn sàng chiến đấu, thầy Lê Quân và Phân hiệu đã xây dựng được 4 chương trình đào tạo về bồi dưỡng Cảnh sát khu vực, Công an huyện, Trinh sát hình sự, Cảnh sát giao thông phục vụ nhiệm vụ bảo vệ TTATXH ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Do yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ ANQG, TTATXH và xét Phân hiệu Cảnh sát nhân dân đủ điều kiện để trở thành một trường độc lập để đào tạo nghiệp vụ Cảnh sát nhân dân bậc trung học cho lực lượng Cảnh sát nhân dân, ngày 15 tháng 05 năm 1968 Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định 514-CA-QĐ “tách Phân hiệu Cảnh sát nhân dân khỏi trường Công an Trung ương, thành lập Trường Cảnh sát nhân dân”. Thực hiện quyết định của Bộ Công an, chiều ngày 15 tháng 05 năm 1968 tại xã Phong Vân, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, 153 cán bộ, giáo viên, công nhân viên và 1789 học viên các lớp học đã long trọng làm lễ thành lập Trường Cảnh sát nhân dân. Thầy Trung tá Lê Quân đã được Bộ Công an cử giữ chức vụ Hiệu trưởng. Và đây cũng là thầy Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường.

Kể từ tháng 5 năm 1968 được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cảnh sát nhân dân đến tháng 4 năm 1974 được Bộ Công an điều động về giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục trinh sát kỹ thuật 3 Bộ Công an, chỉ với thời gian ngắn 6 năm nhưng thầy giáo Lê Quân và tập thể lãnh đạo nhà trường đã đạt được những thành tích lớn.

Từ ban đầu (năm 1968) chỉ có 5 khoa, 3 phòng, 3 tổ trực thuộc và được giao nhiệm vụ đào tạo 4 chuyên ngành trung học: Cảnh sát nhân dân ( Khoa 55), Cảnh sát trại giam ( Khoa 54), Cảnh sát giao thông ( Khoa 57), Cảnh sát phòng cháy chữa cháy ( Khoa 56), đến trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Trường Cảnh sát nhân dân đã mở thêm một số chuyên ngành đào tạo mới như Cảnh sát quản lý hành chính, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát huấn luyện chó nghiệp vụ. Nhà trường cũng đã được Bộ Công an giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho Công an hai nước bạn Lào và Cămpuchia.

Là một nhà trường mới thành lập, nên Thầy Lê Quân và lãnh đạo nhà trường đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm: ổn định và tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên và xây dựng tài liệu dạy học. Là một người biết nhìn xa, trông rộng, thầy Lê Quân và tập thể lãnh đạo nhà trường đã đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo giảng viên. Nhiều thầy cô giáo trẻ của Trường Cảnh sát nhân dân đã được cử sang Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức và các nước XHCN để học tập. Nhiều thầy cô giáo được cử sang Trường Công an Trung ương và các trường trong nước kiến tập, nghiên cứu, học tập. Chính vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn, Trường Cảnh sát nhân dân đã có được một đội ngũ giảng viên có trình độ đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ Cảnh sát trong tình hình mới. Trong số cán bộ này có thầy Trần Đức Trường đã được thầy Lê Quân quan tâm đào tạo. Tháng 9-1973 thầy Trần Đức Trường được Bộ Công an bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường Cảnh sát nhân dân và sau khi thầy Lê Quân được Bộ Công an điều động đi công tác ở đơn vị khác, thầy Trần Đức Trường đã được cử giữ chức Hiệu trưởng của Trường Cảnh sát nhân dân.

Thầy Lê Quân cũng đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng các chương trình đào tạo. Nhiều hội nghị chuyên đề về cải tiến chương trình dạy học, biên soạn giáo trình, xây dựng các chương trình đào tạo cho cán bộ Cảnh sát liên hợp Lào, cảnh sát Cămpuchia, đào tạo cán bộ nuôi huấn luyện chó nghiệp vụ, đào tạo cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị các điều kiện để tiến tới nhận nhiệm vụ đào tạo sỹ quan Cảnh sát nhân dân bậc đại học, chi viện cán bộ cho chiến trường miền Nam.

Các cụ xưa đã nói “vạn sự khởi đầu nan”. 6 năm thầy Lê Quân làm Trưởng khoa Cảnh sát nhân dân và Phân hiệu trưởng Cảnh sát nhân dân trực thuộc Trường Công an trung ương và 6 năm làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cảnh sát nhân dân tuy không dài, nhưng đã ghi lại được những mốc lịch sử quan trọng của Học viện Cảnh sát nhân dân. Từ đây Bộ Công an và lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam đã có một nhà trường đào tạo cán bộ độc lập, từng bước khẳng định vị trí trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc gia nói chung và giáo dục đào tạo Công an nhân dân nói riêng. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã từng bước được khẳng định, góp phần đào tạo nguồn nhân lực Cảnh sát nhân dân phục vụ công cuộc bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thầy Lê Quân luôn xứng đáng là người đặt nền móng ban đầu và là người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cảnh sát nhân dân trong thời kỳ “vạn sự khởi đầu nan”.

Nhật Nam 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT