Để có môi trường sư phạm lành mạnh:
Đến Học viện Cảnh sát nhân dân những ngày mùa hè 2009 này, bạn rất dễ thấy được các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của Nhà trường. Việc Đảng uỷ, Ban giám đốc Học viện tổ chức thực hiện phong trào này là xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn giáo dục đào tạo của Nhà trường.
Thượng tá Đặng Duy Phiên, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ và Công tác chính trị Học viện cho biết, bất cứ một Nhà trường nào, trong đó có các Nhà trường Công an nhân dân trước hết phải xây dựng được các tiêu chí sau:
Thứ nhất, đây phải là một đơn vị văn hóa. Bản thân Nhà trường là một nơi đào tạo, rèn luyện những con người văn hóa nên phải là Nhà trường văn hóa. Nhưng trong thời gian qua vấn đề này chưa được coi trọng. Theo quy định số 241 ngày 16-4-2003 của Bộ trưởng Bộ Công an, tiêu chuẩn đơn vị văn hóa trong lực lượng Công an nhân dân bao gồm: có 2 năm liền liên tục đạt danh hiệu thi đua “đơn vị giỏi”, “đơn vị quyết thắng”; hàng năm được công nhận “đơn vị kiểu mẫu về Điều lệnh Công an nhân dân”; có thành tích tham gia các hoạt động văn hóa- văn nghệ và xây dựng cơ sở vật chất, duy trì hoạt động các thiết chế văn hóa; không có cán bộ, chiến sỹ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên và không có cán bộ, chiến sỹ sinh con thứ 3.
Thứ hai, Nhà trường bao gồm các thầy giáo mẫu mực. Thầy giáo như các cụ ta đã nói “sư giả thiên nhân chi mô phạm”có nghĩa là “thầy giáo là người mẫu mực của trời và người”. Muốn dạy người được trước hết người thầy phải là những người mẫu mực. Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005 thầy giáo là những người phải hết lòng thương yêu, quý trọng, tôn trọng sinh viên, tận tụy với nghề, không tiêu cực.
Thứ ba, nhà trường phải có những sinh viên thanh lịch. Sinh viên là những người có trình độ cao nhất trong các tầng lớp thanh niên, nên ngoài có trình độ khoa học, nghề nghiệp, phải là những người có văn hóa ứng xử cao, nói năng lịch sự, không nói tục, lễ phép với thầy cô giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy Công an: “Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép”. Không thể có chuyện ra đời người cán bộ Công an kính trọng lễ phép với nhân dân nếu trong Nhà trường các học viên Công an không lễ phép, không chào hỏi, không kính trọng thầy cô giáo. Nhưng ngược lại để được học viên kính trọng bắt buộc thầy giáo phải mẫu mực, phải có tư cách đạo đức và văn hóa ứng xử tốt. Chính vì vậy nếu thực hiện tốt cuộc vận động này thì Nhà trường sẽ thực sự chuyển biến và phát triển theo chiều hướng tốt.
Thực hiện cuộc vận động này thực chất là sự kế thừa, phát huy các truyền thống của Học viện trong hơn 40 năm qua. Học viện Cảnh sát nhân dân hiện là một trong những đơn vị có các phong trào thi đua, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào Đoàn, phong trào công đoàn rất mạnh. Học viện đã tổ chức hơn 20 Câu lạc bộ cho cán bộ, học viên như: Câu lạc bộ tiếng Anh, Câu lạc bộ tin học và chống tội phạm công nghệ cao, Câu lạc bộ giảng viên trẻ, Câu lạc bộ điện ảnh, Câu lạc bộ khiêu vũ, Câu lạc bộ võ dân tộc, Câu lạc bộ Karatedo, Câu lạc bộ Taekwondo, Câu lạc bộ ghi ta, v.v…. Năm 2006 thi viết chuyên đề Nghiệp vụ cơ sở do Bộ Công an tổ chức, học viên Học viện đã giành giải nhất toàn đoàn. Năm 2007 Đoàn Học viện CSND đã đạt giải nhất toàn đoàn thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội X, giải nhất các cuộc thi võ thuật Taekwondo, Karatedo, bắn súng quân dụng học viên các trường CAND, giải nhì Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn Ngành Công an nhân dân năm 2007. Hàng tháng Học viện đều tổ chức các Chương trình văn hóa văn nghệ và mời nhiều Đoàn nghệ thuật, ban nhạc trẻ vào biểu diễn cho học viên. Năm 2008, học viên Học viện đã tự tổ chức thành công chương trình Dạ hội ngoại ngữ “Chào năm mới 2008, Chào 40 năm Học viện Cảnh sát nhân dân” được các đại biểu quốc tế đánh giá cao. Chương trình ca nhạc “Khúc hát bên giảng đường” do cán bộ, học viên Học viện biểu diễn được phát sóng trên kênh VTV3 đài truyền hình Việt Nam, Chương trình văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống đã được khán giả đánh giá cao. Năm 2008 Học viện cũng đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi của Bộ Công an và Tổng cục XDLL CAND tổ chức như giải nhất thi tìm hiểu Luật cư trú toàn quốc, giải nhất thi Bí thư chi bộ giỏi Tổng cục XDLL CAND, giải nhì hội thi tuyên truyền phụ nữ Tổng cục XDLL CAND, giải nhất toàn đoàn Hội thi thể thao Công đoàn CAND toàn Ngành lần thứ VII, v.v…
Nhà trường đã và đang đầu tư xây dựng đội bóng chuyền mạnh gồm nhiều cầu thủ đạt đẳng cấp quốc gia. Với sự hỗ trợ của Tập đoàn Mai Linh, Học viện đã tổ chức được giải bóng chuyền gồm các đội mạnh phía Bắc.
Trong tháng Thanh niên, tháng 3 năm 2009, Học viện đã phát động phong trào thi đua “Giáo viên chủ nhiệm mẫu mực, sinh viên thanh lịch, lớp học kiểu mẫu” và tổ chức thành công Hội thi Sinh viên Cảnh sát thanh lịch lần thứ nhất. Đoàn thanh niên Học viện đã phát động phong trào thi đua "Tôi là Đoàn viên Học viện CSND".
Chính các phong trào văn hoá, văn nghệ của cán bộ, học viên đã hỗ trợ, góp phần nâng cao trình độ văn hoá thẩm mỹ, tri thức âm nhạc, tăng cường thể lực của thầy và trò Học viện Cảnh sát nhân dân. Các tiêu cực qua đó cũng bị đẩy lùi.
Những thầy giáo mẫu mực:
Nhắc tới các thế hệ thầy, cô giáo của Học viện Cảnh sát nhân dân không thể không nhắc tới thầy giáo cố Đại tá Lê Quân. Thầy Lê Quân là một trong những cán bộ Công an thuộc lớp cán bộ Cảnh sát đầu tiên được Nhà nước và Bộ Công an phong hàm Cảnh sát nhân dân năm 1962 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày 20/07/1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Thầy Lê Quân được vinh dự phong hàm Trung tá Cảnh sát nhân dân và được đánh giá là một trong những cán bộ sỹ quan Cảnh sát Việt Nam trẻ và triển vọng. Sau khi tốt nghiệp các khoá học nghiệp vụ tại Liên Xô về nước, thầy Lê Quân được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cử về công tác tại Trường Công an trung ương, trực tiếp phụ trách chuyên khoa Cảnh sát nhân dân. Khi Bộ Công an quyết định tách Khoa Cảnh sát nhân dân thuộc Trường Công an trung ương thành Trường Cảnh sát nhân dân, thầy được vinh dự cử làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường và sau đó được Bộ Công an cử làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Có thể nói đóng góp lớn nhất của Đại tá Lê Quân và các thế hệ cán bộ đầu tiên của Nhà trường là đào tạo được một đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ của Ngành và của đất nước. Những khoá học viên đầu tiên mặc dù được đào tạo trong điều kiện rất thiếu thốn nhưng do có phương pháp đúng, biết gắn đào tạo với thực tiễn chiến đấu của Ngành, quản lý học viên tốt nên có chất lượng đào tạo cao.
Hơn 40 năm qua, Học viện Cảnh sát nhân dân dưới sự lãnh đạo của 4 thầy Hiệu trưởng, Giám đốc: Đại tá Lê Quân, Đại tá Trần Đức Trường, Đại tá Phó Giáo sư, Phạm Minh, Thiếu tướng Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Hùng, Thiếu tướng Nguyễn Trung Thành, đã đào tạo được 34 Khoá đại học Cảnh sát, 17 Khoá cao học, 13 Khoá nghiên cứu sinh và hàng trăm khoá huấn luyện, đào tạo các hệ ở trong và ngoài Nhà trường. Một điều thể hiện rất rõ mà các thế hệ cán bộ, học viên Học viện luôn nhắc tới công lao của các thế hệ lãnh đạo Nhà trường là rất quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, bồi dưỡng các thế hệ giảng viên trẻ.
Mặc dù còn khiêm tốn so với một số Nhà trường bạn trong, ngoài nước, nhưng sau 40 năm phấn đấu, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Học viện Cảnh sát ngày càng trưởng thành hơn và hiện đang đứng đầu các Nhà trường Công an nhân dân về số lượng cán bộ có trình độ cao. Tên tuổi của các thầy cô giáo như Thầy Lê Quân, Thầy Trần Đức Trường, Thầy Trần Ngọc Lương, Thầy Đặng Cân, Thầy Đồng Quang Khao, Thầy Phạm Minh, Thầy Lê Anh San, Thầy Lê Thanh, Thầy Bùi Đăng Thìn, Thầy Đặng Huệ, Thầy Nguyễn Duy Hùng, Thầy Nguyễn Quốc Nhật, Thầy Phạm Tuấn Bình, Thầy Đỗ Bá Cở,v.v… đã để lại những đấu ấn và kỷ niệm đẹp trong lòng các thế hệ cán bộ, học viên Nhà trường.
Chính vì được đào tạo, bồi dưỡng tốt trong thời gian công tác tại Học viện Cảnh sát nhân dân nên rất nhiều thầy cô giáo của Học viện sau khi chuyển đến các cơ quan, đơn vị mới nay đều đã trưởng thành như GS.TS Đỗ Ngọc Quang, đại biểu Quốc hội Khoá X, Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Ngũ, đại biểu Quốc hội Khoá XI, Tiến sỹ Dương Đình Tùng, Phó Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ, Tiến sỹ Vũ Quy, Văn phòng Chủ tịch nước, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đặng Lục, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Trung ương Đảng, Thầy Đặng Khang, Chánh Văn phòng INTERPOL Việt Nam, Thiếu tướng Tiến sỹ Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật Bộ Công an, Thiếu tướng Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tư, Vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ Công an,v.v….
Các thế hệ thầy cô giáo hôm nay như Thiếu tướng Nguyễn Trung Thành, Đại tá Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Yêm, Thiếu tướng Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Nam Trường, Thiếu tướng Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Cảnh, Đại tá PGS.TS Nguyễn Huy Thuật, Đại tá TS Nguyễn Đức Bình, Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Phương Đạt, Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Đình Hoà, Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Hoàn, Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Tý, Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Sỹ Hiền, Tiến sỹ Nguyễn Thiện Phú, Tiến sỹ Quách Ngọc Lân, Tiến sỹ Đường Minh Giới, Tiến sỹ Bùi Văn Thịnh,v.v. .. cùng với hơn 500 thầy, cô giáo đã và đang kế tiếp bước truyền thống các thế hệ thầy cô giáo năm xưa.
Các thế hệ thầy, cô giáo của Học viện Cảnh sát nhân dân hôm nay được đánh giá là khá năng động. Nhà trường đã chủ trì tổ chức hàng trăm Hội thảo khoa học, hàng nghìn đề tài khoa học bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đào tạo Cảnh sát và phục vụ đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự của Ngành trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác nghiên cứu khoa học của các thầy, cô giáo Học viện Cảnh sát nhân dân ngày càng đi sâu vào chất lượng, tăng về số lượng phục vụ thực tiễn đào tạo và quản lý đào tạo của Học viện, phục vụ 4 Chương trình lớn mà Chính phủ đang giao cho Bộ Công an chủ trì thực hiện: Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình hành động phòng chống ma tuý, Chương trình phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, Chương trình an toàn giao thông. Học viện đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của Ngành và thực tiễn như tổ chức thi hành án phạt tù, chống tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông, chống rửa tiền, quản lý cư trú bằng chế định hộ khẩu,v.v… Có những Hội thảo khoa học quốc tế được lãnh đạo Bộ Công an và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Các thầy cô giáo của Học viện Cảnh sát nhân dân còn rất chú trọng việc đi thực tế, mời nhiều đại biểu vào báo cáo thực tiễn để minh họa cho các bài giảng trên lớp của mình. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết khi Ban giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân nêu sáng kiến và đề nghị hợp tác toàn diện giữa hai đơn vị, tập thể Ban giám đốc Công an Thành phố và các phòng, quận, huyện nhiệt liệt ủng hộ. Việc hợp tác toàn diện này sẽ giúp công tác đào tạo của cán bộ, học viên Học viện gắn bó với thực tiễn chiến đấu hơn như mô hình “nhà trường - bệnh viện” của Ngành Y đã được cả xã hội thừa nhận.
Những năm đầu thế kỷ 21 này, đến Học viện Cảnh sát nhân dân chúng ta sẽ thấy việc thi đua học tập ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, học tập nghiệp vụ, nâng cao trình độ của các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ đã trở thành công việc hàng ngày của họ. Mặc dầu rất bận rộn với các lịch giảng bài dày đặc ở nhà trường và các địa phương, nhưng các thầy cô giáo của Học viện vẫn tham gia các lớp học ngoại ngữ buổi tối khá đông. Có những khoa như Khoa Kỹ thuật hình sự từ các thầy giáo Ban Chủ nhiệm Khoa đến các thầy cô giáo trẻ mỗi tuần đã dành ra những thời gian quy ước với nhau chỉ giao tiếp và nói với nhau bằng tiếng Anh. Trong năm qua đơn vị này đã có 8 thầy cô giáo được cử đi học tập, tham quan ở nước ngoài.
Học viện đã tập trung chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên và coi đây là một trong những ưu tiên phát triển hàng đầu. Năm 2007 Học viện đã tổ chức thành công Hội giảng giáo viên từ các Khoa, Bộ môn, chọn ra 38 giảng viên trẻ, xuất sắc thi chung kết Hội giảng toàn Học viện. Chỉ tính 2 năm qua Học viện đã tổ chức cho hơn 250 lượt cán bộ, giảng viên, học viên cao học đi tham quan, học tập tại các Học viện, Nhà trường Cảnh sát nước ngoài ở 20 nước trên thế giới. Cùng với việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho giảng viên, Học viện chú trọng áp dụng các phương pháp dạy học mới như tổ chức thi trắc nghiệm, ra đề thi theo hướng mở, v.v... tạo cơ chế kiểm soát công tác dạy học của giảng viên.
Có lẽ các tiêu chuẩn: Giỏi nghiệp vụ, chịu khó đi thực tế, biết ngoại ngữ, thạo tin học, chăm chỉ luyện tập võ thuật và biết lái xe ô tô, có thể coi là mẫu hình của các thầy cô giáo của Học viện Cảnh sát nhân dân hôm nay. Tại Hội thảo về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2008, Học viện đã tổng kết người thầy giáo Học viện Cảnh sát nhân dân ngày nay phải hội tụ đủ 3 yếu tố: là một nhà sư phạm giỏi, là một cán bộ nghiên cứu khoa học giỏi và là một cán bộ thực tiễn giỏi.
Những thế hệ sinh viên từ mái trường Học viện Cảnh sát nhân dân
Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá thường kể lại với bạn bè, đồng nghiệp rằng: “Cuộc đời anh có cái duyên với Học viện Cảnh sát nhân dân”. Năm 1975 anh là một trong những học viên Khoá đại học D1 đầu tiên của Nhà trường. Năm 1980 tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và được phong hàm Thiếu uý Cảnh sát nhân dân, Đồng Đại Lộc trở về công tác tại Công an tỉnh Thanh Hoá. Phấn đấu và trưởng thành, năm 2003 lúc đang giữ cương vị là Đại tá Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá, Đồng Đại Lộc lại trở về Học viện Cảnh sát nhân dân học hệ đào tạo cao học và năm 2007 anh tốt nghiệp xuất sắc, đạt điểm 10 Luận văn và được đề nghị chuyển tiếp sinh Tiến sỹ. Với cương vị Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá, một trong những tỉnh, thành phố lớn nhất của cả nước, rất bận rộn công tác thực tiễn, nhưng với truyền thống hiếu học và cũng để nâng cao trình độ bản thân, Đồng Đại Lộc lại bước tiếp bậc học thứ 3 tại Học viện Cảnh sát nhân dân và được Bộ Giáo dục và đào tạo, Học viện Cảnh sát nhân dân xét chuyển tiếp sinh Tiến sỹ Luật học. Anh đã được Nhà nước thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng.
Thiếu tướng Đồng Đại Lộc là một trong trong hơn 2 vạn cán bộ Công an, Cảnh sát, cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam, cán bộ ngành Công an hai nước bạn Lào, Cămpuchia đã được đào tạo tại mái trường Học viện Cảnh sát nhân dân và ra đời trưởng thành.
Nếu vào Khoá D1 đầu tiên năm 1975 Nhà trường mới chỉ đào tạo các chuyên ngành rộng như Điều tra hình sự, Quản lý hành chính và mở các lớp bổ túc ngắn hạn, các lớp bồi dưỡng lãnh đạo, chỉ huy, thì năm học 2008-2009 này Học viện Cảnh sát nhân dân đã có 9 chuyên ngành hẹp đào tạo nghiệp vụ Cảnh sát: Cảnh sát điều tra, Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế, Cảnh sát phòng chống tội phạm hình sự, Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý, Cảnh sát kỹ thuật hình sự, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trại giam, Cảnh sát vũ trang. Từ năm học 2008-2009 Bộ Giáo dục và đào tạo đã cho phép Nhà trường đào tạo cử nhân tiếng Anh chuyên ngành tiếng Anh Cảnh sát. Học viện còn đang xây dựng các mã ngành cử nhân mới về Cảnh sát môi trường, Cử nhân chính trị và Cử nhân Công nghệ thông tin chống tội phạm công nghệ cao.
Từ năm 2002 Học viện đã thí điểm đào tạo Lớp sinh viên chất lượng cao. Sau 5 năm đào tạo, năm 2007 Lớp sinh viên chất lượng cao chuyên ngành Cảnh sát điều tra của Học viện đã tốt nghiệp ra trường. Cả 42 học viên của Lớp đều tốt nghiệp đạt kết quả khá, giỏi và cả lớp đều được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Rút kinh nghiệm lớp Chất lượng cao Khoá D28, hàng năm Học viện đều tổ chức một Lớp chất lượng cao bao gồm các sinh viên có điểm thi đại học cao để xây dựng các lớp học “đầu tàu” cho học viên toàn trường.
Hệ đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ của Học viện cũng ngày càng phong phú hơn. Nếu như vào năm 1992 Học viện chỉ đào tạo chuyên ngành Thạc sỹ Hình pháp học thì vào năm 2008 này Nhà trường đang đào tạo 02 mã ngành: Tội phạm học và điều tra tội phạm, Quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội. Học viện đang hoàn chỉnh 03 mã ngành Thạc sỹ mới về Trinh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự và Giáo dục cải tạo phạm nhân. Đến thăm Công an Thành phố Hà Nội chúng ta thấy có khá nhiều cán bộ lãnh đạo các đơn vị Công an Thành phố Hà Nội đã tốt nghiệp hoặc đang theo học hệ đào tạo cao học của Học viện như: Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ Thạc sỹ Đỗ Xuân Hàn, Trưởng Công an quận Long Biên Thạc sỹ Nguyễn Xuân Toản, Phó trưởng Công an quận Long Biên Thạc sỹ Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Công an huyện Thanh Trì Thạc sỹ Nguyễn Duy Ngọc, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng Tiến sỹ Đàm Thanh Thế, v.v…
Chính do các mã ngành ngày càng phong phú nên ngoài các cán bộ Công an, Cảnh sát, cán bộ các cơ quan Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Kiểm sát, Toà án, các cơ quan nội chính đến theo học tại Học viện Cảnh sát nhân dân ngày càng đông hơn. Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Chức, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ 2 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong, v.v... là những cán bộ ngành nội chính đã theo học hệ đào tạo cao học, nghiên cứu sinh tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Phi, nguyên là một học viên cao học của Học viện vẫn thường tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp và cán bộ của mình rằng các kiến thức mà ông đã học tập được tại Học viện Cảnh sát nhân dân đã giúp ông rất nhiều trong việc xử lý, giải quyết các công việc nội chính của tỉnh.
Học viện Cảnh sát nhân dân đã đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác sinh viên. Số lượng học viên đạt kết quả khá, giỏi tăng lên qua hàng năm. Học viện đã phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội về bảo vệ an ninh, trật tự khu vực Học viện, tập trung vào phòng ngừa, xử lý các hiện tượng tiêu cực phát sinh trong sinh viên. Đã tổ chức nhiều hoạt động học tập rèn luyện như lên lớp buổi tối, học tập võ thuật, thể thao buổi chiều, tạo ra một môi trường giáo dục đào tạo lành mạnh trong Học viện. Trong nhiều năm qua Học viện đã được Bộ Giáo dục và đào tạo tặng Bằng khen về công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Trung bình một khoá học tốt nghiệp ra trường đã có hơn 80% học viên được kết nạp Đảng. Học viên Học viện tích cực tham gia các Câu lạc bộ sinh viên và tổ chức được 8 lớp đại học tại chức tiếng Anh buổi tối. Đoàn Thanh niên Học viện đã biên tập, xuất bản Nội san sinh viên “Người Cảnh sát trẻ” bằng tiếng Việt và bằng các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc mà học viên học tập. Học viên đã tổ chức tốt công tác tự quản, bảo vệ an ninh, trật tự trong Nhà trường, thực hiện phong trào “3 xây, 3 chống”. Trình độ ngoại ngữ, tin học, võ thuật, bắn súng của học viên Học viện CSND đã được nâng lên so với trước đây.
Từ phong trào xây dựng “Nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, sinh viên thanh lịch” ngày nay Học viện Cảnh sát nhân dân đang phấn đấu xây dựng phong trào “Nhà trường thân thiện, nhà giáo chuẩn mực, sinh viên tích cực”.
(Còn tiếp kỳ 3)
Xuân Nguyễn và Thanh Xuân