Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, viết nên truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này, Ban biên tập xin được tóm tắt ngắn gọn chặng đường trong suốt 70 năm qua mà tập thể cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân Việt Nam đã trải qua trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Trong suốt 70 năm qua dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo chặt chẽ của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, lực lượng CAND đã không ngừng trưởng thành qua quá trình chiến đấu, xây dựng lực lượng và quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Ra đời từ cách mạng tháng 8 năm 1945, trải qua mỗi chặng đường cách mạng, lực lượng CAND Việt Nam lại được củng cố và phát triển để từ đó sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, trở thành một lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là một vấn đề hết sức quan trọng có ý nghĩa quyết định, đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.
Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ bạo lực của cách mạng để trấn áp tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Điển hình như trong cao trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931), “Đội Tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh của quần chúng, chống địch khủng bố. Tổ chức “Đội Tự vệ đỏ” luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh của quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hòa lý, uy hiếp, làm tan rã chính quyền tay sai đế quốc ở cơ sở. Vừa tiến hành đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh tự vệ, chống khủng bố. "Đội Tự vệ đỏ" còn có nhiệm vụ bảo vệ các phong trào cách mạng của quần chúng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên tòa của Xô-viết - Công nông xét xử bọn phản cách mạng và giữ gìn an ninh trật tự ở những nơi có chính quyền Xô-viết. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của cao trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931) Đảng ta đã xác định "vấn đề tổ chức đội Tự vệ Công nông là một vấn đề quan trọng. Có đội Tự vệ thì Công và Nông mới giúp cho quần chúng tổ chức đấu tranh hơn trước được... khi có đấu tranh thì đội Tự vệ phải đi đầu, đi kèm quần chúng mà hộ vệ và bênh vực đấu tranh". Có thể nói, đây là mầm móng đầu tiên để hình thành lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam sau này.
Tháng 9-1939 chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Thực dân Pháp đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng Việt Nam. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị bắt, tù đày. Khả năng đấu tranh hợp pháp trong thời kỳ mặt trận dân chủ không còn nữa, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật. Trung ương Đảng chủ trương xây dựng An toàn khu (ATK) để bảo vệ cơ quan, cán bộ của Đảng và đề phòng địch khủng bố. Đầu năm 1940 ATK được thành lập và "Ban công tác đội" ra đời do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo làm nhiệm vụ bảo vệ ATK, bảo vệ cán bộ cao cấp của Đảng, giải thoát cho cán bộ Đảng khi bị địch lùng bắt.
Ngày 15/5/1945 Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập "Đội danh dự trừ gian" do Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo. Nhiệm vụ của "Đội danh dự trừ gian" là diệt trừ các tên Việt gian đầu sỏ, nguy hiểm theo chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và vũ trang tuyên truyền khi cần thiết.
Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng với hai căn cứ địa lớn. Các "Đội trinh sát", "Đội hội lương diệt ác", "Đội Tự vệ cứu quốc", "Ban công tác đội" ra đời cùng với "Đội Tự vệ", "Đội danh dự trừ gian" làm nhiệm vụ tiêu trừ Việt gian phản quốc, trừng trị lưu manh để bảo vệ khu giải phóng. Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công An nhân dân Việt Nam.
Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Tiếp sau Hà Nội, đến lượt Huế (23/8), rồi Sài Gòn (25/8). Chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28/8), cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam.
Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát trong toàn quốc thành "Việt Nam Công an vụ". Thực hiện Sắc lệnh số 23/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Bắc Bộ, Sở Liêm phóng đổi thành Sở Công an Bắc Bộ; ở Trung Bộ, Sở Trinh sát đổi thành Sở Công an Trung Bộ; ở Nam Bộ, Quốc gia Tự vệ cuộc đổi thành Sở Công an Nam Bộ; ở các tỉnh, thành phố có Ty Công an.
Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 14/SL thành lập Thứ Bộ Công an. Tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ từ ngày 27 đến 29/8/1953, xét công tác công an ngày càng quan trọng cần phải được tăng cường về tổ chức và cán bộ, Hội đồng Chính phủ ra nghị quyết đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an.
Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 982/TTg xác định mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an. Lực lượng Công an nhân dân càng chiến đấu càng trưởng thành. Ngày 20/7/1962, Hồ Chủ tịch ký lệnh 34-LCT công bố pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn và pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân nhằm tăng cường kiện toàn bộ máy lực lượng Công an, đồng thời đáp ứng tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng nhu cầu sỹ quan Cảnh sát có trình độ cao và chuyên trách trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm hình sự phạm hình sự và các tội phạm vi phạm trật tự an toàn xã hội.
Ngay từ khi ra đời, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự giám sát của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh và từng bước trưởng thành, cùng quân và dân ta đánh tan mọi kẻ thù xâm lược, thế lực phản động, chống phá, bảo vệ vững chắc nền an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên hạnh phúc cho nhân dân. Có thể nói, ngày truyền thống lực lượng CAND mang ý nghĩa lịch sử chính trị, tư tưởng sâu sắc. Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của một trong những lực lượng vũ trang cách mạng nòng cốt, quan trọng của Đảng, Nhà nước, đảm bảo sư tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời, đây là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp to lớn của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Trong thế hệ trẻ trong lực lượng Công an nhân dân Việt Nam nói chung và thế hệ đoàn viên, thanh niên của Học viện CSND nói riêng, việc tìm hiểu ý nghĩa lịch sử ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân đã bồi đắp thêm niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sỹ khi được vinh dự đứng trong hành ngũ của lực lượng Công an nhân dân, đem sức trẻ nhiệt huyết, tài năng của mình để bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của Nhân dân. Trở lại với những ngày tháng Tám năm 2015, thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích, tô thắm thêm truyền thống 70 năm vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước lập nên nhiều chiến công xuất sắc hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân Việt nam (19/8/1945 -19/8/2015) và 10 năm ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005- 19/8/2015).
BBT